Nếu không có tầm nhìn chiến lược trong quy hoạch giao thông thì trong tương lai không xa, việc ùn tắc giao thông ở Hải Phòng cũng căng thẳng như Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh...
Theo thống kê của Ban ATGT - Sở GTVT Hải Phòng, hiện nay thành phố có 38 điểm hay xảy ra ùn tắc giao thông và gần 20 điểm "nóng" về tai nạn giao thông… Để xảy ra tình trạng này, nguyên nhân chính là do cơ sở hạ tầng giao thông Hải Phòng không được đầu tư đúng mức, không đáp ứng được nhu cầu trung chuyển của nhân dân và DN.
Hạ tầng giao thông Hải Phòng chưa đáp ứng được yêu cầu Hạ tầng giao thông chưa xứng tầm
Hải Phòng có 50 tuyến phố chính nội đô, tổng chiều dài hơn 60 km cùng các tuyến QL5, QL10, QL37 dài hơn 100 km; hệ thống tỉnh lộ dài 176 km, đường liên thôn, huyện dài gần 1000 km…Nhưng từ năm 1955 đến nay, sau 56 năm giải phóng Hải Phòng, những tuyến đường này vẫn chưa được mở rộng. Trong khi dân số thời điểm ấy mới chỉ là 20 vạn người, còn số dân hiện nay lên tới xấp xỉ 2 triệu người, nên ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra.
Với đặc thù là thành phố Cảng biển cửa ngõ của Miền Bắc, nhu cầu vận chuyển hàng hóa thông qua cảng biển Hải Phòng bằng đường bộ chiếm tỷ trọng lớn. Hệ thống quốc lộ phát huy tác dụng chủ yếu là QL5 và QL10. QL5 đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa qua cảng khu vực Hải Phòng bằng đường bộ. QL10 là tuyến giao thông huyết mạch giữa các tỉnh vùng Duyên hải Bắc Bộ và chia sẻ lưu lượng phương tiện vận chuyển hàng hóa qua khu vực Cảng Hải Phòng.Tuy nhiên, QL5 qua Tp.Hải Phòng có dạng đường đô thị, giao cắt hầu hết các vùng mức, mật độ giao thông lớn nên hạn chế điều kiện khai thác và tiềm ẩn về mất ATGT. Đặc biệt, đường và các nút giao thông khu vực cảng chật hẹp, thiếu các bãi đỗ xe chờ giao nhận hàng dẫn đến hiệu quả khai thác kém. Do lưu lượng xe qua tuyến QL5 tại nút giao thông ngã 3 Đình Vũ là 20.852 lượt xe tải/ ngày đêm nên tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra hàng ngày, có khi ùn tắc kéo dài đến 6 giờ đồng hồ. Còn QL10, với lưu lượng xe qua tuyến lớn, tuyến đường này lại giao cắt đồng mức với nhiều đường giao dân sinh và đường nối các KCN, CCN, DN nhỏ lẻ, không có đường gom dẫn đến hiệu quả khai thác kém, thường xuyên bị ùn tắc giao thông và nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra.
Hiện nay, Hải Phòng có 1.038 DN kinh doanh vận tải hàng đường bộ bằng xe container. Ngoài ra, phương tiện vận tải bằng đường bộ cũng tăng nhanh. Năm 2008, có 34.075 xe các loại; năm 2011 tăng lên 57.876 xe, tăng gần 70%. Riêng xe rơmooc năm 2008 có 3.300 xe, năm 2011 tăng lên 6.147 xe, gần gấp đôi. Năng lực vận tải bằng đường bộ năm 2010 đạt tỷ lệ 78,4%, tương đương với khoảng hơn 10 triệu tấn hàng hóa. Năm 2011 là 44 triệu tấn và không có xu hướng giảm xuống. Sự gia tăng quá nhanh của phương tiện vận tải trong khi cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ chưa đáp ứng kịp, gây nhiều vấn đề cần được giải quyết như ùn tắc giao thông, mất ATGT, trật tự vệ sinh đô thị…
GĐ một DN vận tải lo ngại: "Tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra ngày một nhiều, đặc biệt là đoạn đường từ ngã 3 Nguyễn Bỉnh Khiêm - Đình Vũ ngày nào cũng bị ách tắc gây thiệt hại cho DN, vì bị phạt do chậm giờ giao hàng theo hợp đồng. Ước tính 1 ngày đường ra vào cổng Cảng bị tắc thì thiệt hại của chủ xe vận tải container và chủ hàng khoảng 2 tỷ VNĐ, vậy 1 năm sẽ thiệt hại khoảngg 1.000 tỷ VNĐ".
Ông Đàm Xuân Lũy - Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng thở dài cho biết: "Hiện nay, kinh tế xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu đi lại vận chuyển hàng hóa thông qua Cảng Hải Phòng cũng tăng gấp 4 lần. Lẽ ra, chúng ta phải đầu tư nâng cấp những tuyến đường Hải Phòng từ 5 năm trước chứ không phải để bây giờ mới làm!"
Cần sự đột phá
Hải Phòng muốn phát triển mạnh về cảng biển thì giao thông phải đi trước một bước. Sự gia tăng quá nhanh về phương tiện xe cơ giới trong khi điểm đỗ xe tĩnh không đủ nên tình trạng xe ô tô dừng, đỗ không đúng quy định gây ùn tắc giao thông. Vì vậy, giải pháp lâu dài là quy hoạch giao thông tĩnh cần có tầm nhìn chiến lược với việc xây dựng mạng lưới điểm đỗ xe công cộng thông minh, kết nối trực tiếp với các dự án giao thông, quy hoạch chung của thành phố.
Một cán bộ Phòng Quản lý Hạ tầng giao thông - Sở GTVT Hải Phòng cho biết:"Hạ tầng giao thông đô thị không được đầu tư nâng cấp đúng mức, không đáp ứng được nhu cầu phát triển của thành phố, gây khó khăn cho nhân dân và DN. Hệ thống giao thông vận tải công cộng hiện nay chỉ đáp ứng 1% nhu cầu của nhân dân, bằng 1/30 của đô thị lớn. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần quy hoạch hệ thống giao thông liên vùng hoàn thiện giữa các tỉnh, thành phố nhằm kết nối các địa phương. Tình trạng ùn tắc trên các tuyến giao thông chính của thành phố thường xuyên diễn ra chỉ có thể chấm dứt khi các dự án giao thông lớn hoàn thành đưa vào khai thác, đồng thời việc tổ chức giao thông tốt hơn".
Bà Nguyễn Thị Nghĩa, Phó bí thư Thường trực Thành ủy khi đi tham dự kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 13 phát biểu:"Nguồn thu ngân sách từ hànghóa xuất khẩu qua cảng Hải Phòng 9 tháng đầu năm 2010 là 38 nghìn tỷ VNĐ. Số tiền này phải nộp hết vào ngân sách mà không được trích lại dù chỉ là 5 - 10% để đầu tư lại cho công trình hạ tầng giao thông. Nguyên nhân do luật ngân sách đã quy định không được thực hiện việc đó… Nhưng nếu không đảm bảo hạ tầng giao thông tốt để nuôi nguồn thu cho Hải Phòng thì sẽ không khai thác được tối đa hiệu quả từ cảng biển." Và bà Nghĩa cũng xin được trích lại 5-10% trong tổng số nguồn thu ngân sách kia để đầu tư lại cho hạ tầng giao thông.
Muốn giải quyết triệt để những vấn đề về giao thông như: ùn tắc giao thông, ATGT, trật tự giao thông đô thị, ông Đàm xuân Lũy - GĐ Sở GTVT Hải Phòng cho rằng: "Ùn tắc giao thông không hoàn toàn là do ý thức của người dân. Ùn tắc giao thông xảy ra, phần lớn là do sự quản lý chưa tốt của cơ quan chức năng (chiếm 70%), còn do ý thức của người dân chỉ chiếm 30%. Về quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông, các nước trên thế giới, họ dành đất cho giao thông từ 20 - 30%, thậm chí lên đến 35%. Ngay như Lào họ cũng làm như vậy, họ làm rất tốt vấn đề tổ chức, quản lý giao thông, quản lý hệ thống phương tiện và tổ chức vận tải công cộng, hệ thống tín hiệu giao thông… Chính phủ của họ dùng tiền ngân sách để đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Còn ở Việt Nam, Chính phủ không làm như vậy mà kêu gọi xã hội hóa…Đối với Hải Phòng, đô thị loại 1, đất dành cho giao thông lý tưởng nhất là 24%, trung bình cũng phải 16% nhưng thực tế đất dành cho giao thông chỉ chiếm 4,5% nên ùn tắc giao thông là điều tất yếu. Năm 2012, thành phố lấy chủ đề năm Đô thị và ATGT, vì vậy để thay đổi tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay, chúng ta cần thay đổi cách nhìn, cần trích vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông".
Mỹ Hạnh- DĐDN
Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2012
Giai phap cho giao thong Hai Phong Can thay doiâ¦cach nhin
Hệ thống giao thông Hải Phòng đang có nguy cơ trở thành "bức tranh" phản cảm so với thành phố Cảng đô thị loại 1 do cơ sở hạ tầng giao thông đang xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Theo www.baomoi.com
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét